Phương pháp khử trùng chuồng trại trong chăn nuôi heo

Phương pháp khử trùng chuồng trại trong chăn nuôi heo

Trong chăn nuôi heo, an toàn sinh học (ATSH) là tiêu chí được đặt lên hàng đầu vì nó có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và sức khoẻ của đàn heo, đàn heo khoẻ mới đem lại nguồn lợi kinh tế tốt cho người chăn nuôi. Bài viết này sẽ giới thiệu chi tiết về phương pháp khử trùng chuồng trại trong chăn nuôi heo hay còn gọi là nguyên tắc thứ 3 trong ATSH khi chăn nuôi heo.

1. Tại sao người chăn nuôi cần quan tâm đến ATSH?

Tương tự như các loài vật khác, bệnh trên heo cũng được gây ra bởi đa dạng các tác nhân từ vi khuẩn gây bệnh tụ huyết trùng, bệnh viêm phổi đến virus gây các bệnh nghiêm trọng như bệnh lở mồm long móng, dịch tả heo châu Phi, bệnh heo tai xanh,.. Bên cạnh đó, các loại nấm và ký sinh trùng cũng là tác nhân gây bệnh hắc lào, nhiễm giun, sán hay bệnh ghẻ trên heo. Nếu heo bị nhiễm các bệnh trên, sẽ gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi về mặt kinh tế, chắc chắn việc chăn nuôi sẽ bị lỗ vốn vì bắt buộc phải xử lý, tiêu huỷ đàn heo.

Có hai con đường lây nhiễm bệnh trực tiếp trên heo, một là trực tiếp từ heo bị bệnh chết sang heo khoẻ; hai là gián tiếp thông qua các vật trung gian như thức ăn, phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi, hay qua các loài côn trùng như ruồi, muỗi, hoặc các loài chim, chuột. Một yếu tố khác nữa trong con đường gián tiếp là con người. Từ bác sĩ thú y, khách viếng thăm chuồng trại hoặc người làm trong chuồng trại, ai cũng đều có khả năng mang mầm bệnh nếu không được vệ sinh sạch sẽ, khử trùng bên ngoài trước khi vào trại heo khoẻ.

Vì vậy, người chăn nuôi cần phải đặc biệt quan tâm đến các vấn đề ATSH trong chăn nuôi heo để đảm bảo chuồng trại của mình luôn được sạch sẽ, không chứa mầm bệnh và heo khoẻ mạnh để đạt năng suất cao trong chăn nuôi.

2. Nguyên tắc ATSH và khái niệm về khử trùng:

Trong chăn nuôi heo, có 3 nguyên tắc ATSH mà người chăn nuôi cần tuân thủ như sau:

  • Cách ly và kiểm soát đầu vào, ra: bất kể là phương tiện, vật nuôi mới, hay thiết bị dụng cụ phục vụ cho chăn nuôi, tất cả đều phải được khử trùng kỹ càng khi vào trại nhằm đảm bảo không có bất kỳ mầm bệnh nào có thể xâm nhập vào chuồng trại heo đang khoẻ mạnh, ngăn ngừa sự lây lan của mầm bệnh (nếu có).
  • Vệ sinh và làm sạch: cần phải thường xuyên vệ sinh khu vực chuồng trại và xung quanh chuồng trại để đảm bảo mọi nơi đều sạch sẽ, thông thoáng. Vệ sinh làm sạch chuồng trại định kỳ là điều tiên quyết giúp hạn chế đến 80% khả năng lây nhiễm mầm bệnh trong khu vực chăn nuôi.
  • Khử trùng: cần khử trùng sau bước làm sạch để đảm bảo khu vực chuồng trại được vô trùng, sạch sẽ.
3 nguyên tắc ATSH, khử trùng chuồng trại nuôi heo
                                                             3 nguyên tắc ATSH, khử trùng chuồng trại nuôi heo

Như đã liệt kê phía trên, khử trùng là nguyên tắc cuối trong các nguyên tắc về ATSH. Vậy, mục đích của khử trùng là gì và để khử trùng được hiệu quả cần có những yêu cầu gì?

Mục đích của khử trùng chính là tiêu diệt các mầm bệnh còn sót lại sau bước vệ sinh, nhằm đảm bảo chuồng trại được vô trùng trước khi nhập đàn heo mới.

Để khử trùng đạt hiệu quả, người chăn nuôi cần tuân thủ các quy tắc sau:

  • Vệ sinh sạch sẽ chuồng trại trước khi khử trùng, đảm bảo không còn bất kì chất bẩn nào còn sót lại trên các bề mặt cần khử trùng. Vì khử trùng chỉ đạt hiệu quả tối ưu nhất khi bề mặt đã sạch và khô ráo.
  • Đảm bảo dùng đúng liều lượng, đúng nồng độ hoá chất khử trùng
  • Đảm bảo nguồn nước dùng để pha loãng thuốc khử trùng là nước sạch, không nhiễm phân, nhiễm mầm bệnh hay không được dùng nước cứng để pha thuốc khử trùng vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của thuốc khử trùng.

3. Phương pháp khử trùng chuồng trại trong chăn nuôi heo

Như vậy, để đảm bảo ATSH trong chăn nuôi, người chăn nuôi cần tuân thủ theo cả 3 nguyên tắc ATSH trong đó, bước khử trùng chính là nguyên tắc cuối cùng nhằm diệt hết những mầm bệnh còn sót lại sau khi vệ sinh. Vậy, những phương pháp khử trùng cụ thể là:

(1) Trước khi chăn nuôi:

– Thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng nghiêm ngặt và cách ly tối thiểu 3 ngày chuồng nuôi, hệ thống máng ăn, bạt che, trần nhà trước khi nhập heo mới.

– Phun khử trùng tại cổng tất cả dụng cụ, trang thiết bị chăn nuôi và các loại thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm được đóng gói trong bao bì kín không ngấm nước trước khi đưa vào trại. Sau ít nhất 30 phút mới đưa vào kho hoặc khu vực chứa dụng cụ. Sau ít nhất 48 giờ mới đưa vào sử dụng trong chăn nuôi.

– Đối với dụng cụ, thiết bị: sau mỗi lần sử dụng nên tiến hành rửa sạch bằng nước, để khô và phun thuốc khử trùng trước khi cất vào kho hoặc khu vực chứa dụng cụ.

(2) Trong khi chăn nuôi:

– Tại vị trí hố và hệ thống phun khử trùng:

  • Thực hiện bổ sung hoá chất và hố mỗi ngày.
  • Thường xuyên thay đổi hóa chất, cập nhật các loại hoá chất khử trùng có tính năng vượt trội để nâng cao hiệu quả khử trùng cho hệ thống phun khử trùng.

– Tại khu vực chăn nuôi và vật nuôi:

 + Với khu vực chăn nuôi chuồng trại:

  • Phun thuốc xung quanh: ít nhất 2 lần/tuần;
  • Phun thuốc trong chuồng: ít nhất 1 lần/tuần và ít nhất 2 lần/tuần khi có dịch bệnh;

+ Với vật nuôi:

  • Phun thuốc trên heo: ít nhất 2 lần/tuần khi có dịch bệnh (sử dụng các loại thuốc khử trùng được khuyến cáo là an toàn khi dùng trên heo)

– Với ruồi, muỗi và chuột trong và ngoài chuồng nuôi:

  • Phun thuốc diệt ruồi, muỗi, chuột định kỳ 3 tháng/1 lần.
  • Phun thuốc diệt ruồi, muỗi và chuột bổ sung giữa các đợt khi có ruồi, muỗi, chuột phát sinh trong và ngoài chuồng nuôi.

– Nguồn nước:

  •  Xử lý nước bằng Chlorine với liều 5-10 ppm ít nhất 2 giờ trước khi sử dụng cho heo
  •  Kiểm tra chất lượng nước sử dụng định kỳ cả đầu vào và đầu ra để đảm bảo heo được dùng nước sạch, không nhiễm bẩn.

– Các yếu tố khác:

  •  Phát quang bụi rậm xung quanh khu vực chuồng trại, khơi thông và vệ sinh cống rãnh ít nhất 2 lần/tháng.
  •  Phải vệ sinh máng ăn, máng uống hàng ngày.

– Vệ sinh, khử trùng thường xuyên đồ bảo hộ và các dụng cụ chăn nuôi thú y sau khi sử dụng:

  • Đồ bảo hộ, quần áo, khăn lau, thảm đỡ đẻ: Ngâm hóa chất 60 phút sau đó giặt sạch bằng nước ấm trên 65oC và để khô.
  •  Panh kẹp, kéo, kiềm thú y: luôn ngâm với hóa chất khử trùng
  • Kim tiêm và xi lanh (loại sử dụng nhiều lần): phải tháo rời, sửa sạch và luộc/hấp tiệt trùng sau khi sử dụng.
  • Một số dụng cụ khác như nhiệt kế: Khử trùng bằng cồn 70 độ.

(3) Sau khi chăn nuôi:

Sau mỗi đợt nuôi phải làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng, dụng cụ chăn nuôi và để trống chuồng ít nhất 7 ngày trước khi đưa heo mới vào nuôi.

*Những điều cần lưu ý khi thực hiện pha loãng hoá chất khử trùng:

  • Trang bị bảo hộ cá nhân đầy đủ
  • Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên nhãn mác: tên hóa chất; thành phần; tỷ lệ pha; liều lượng, cách dùng; mức độ độc.
  • Dùng cân, cốc đong hoặc xy-lanh để đảm bảo cân, đong chính xác.
  • Pha loãng đúng nồng độ, đúng liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
  • Đảm bảo thời gian hóa chất tiếp xúc với bề mặt cần khử trùng ít nhất 10 phút.
  • Nên phun khử trùng vào sáng sớm hoặc chiều mát, tránh buổi trưa nắng gắt dễ gây độc cho người dùng.

*Hướng dẫn pha loãng hoá chất khử trùng:

Bước 1. Tính tổng diện tích của chuồng nuôi cần phun khử trùng

Diện tích sàn chuồng (m2) = chiều dài x chiều rộng

Diện tích cả chuồng (sàn, tường, trần) cần phun (m2) = Diện tích sàn x 2,5

Bước 2. Tính lượng dung dịch khử trùng cần dùng

Lượng dung dịch khử trùng cần dùng (lít) = Tổng diện tích cần phun x 0,3

*Liều phun trung bình là 300 ml (0,3 lít) dung dịch đã pha cho 1m²

Bước 3. Tính lượng hóa chất khử trùng (dạng nguyên chất) cần dùng

Căn cứ vào tỷ lệ pha loãng dung dịch khử trùng do nhà sản xuất khuyến cáo

*Lưu ý khi pha loãng hoá chất khử trùng:

– Cho khoảng 1/3 lượng nước cần dùng vào bình;

– Cho từ từ lượng hoá chất cần dùng vào bình, chú ý tránh làm rơi rớt lên nắp, thành bình sau đó dùng que khuấy đều;

– Đổ tiếp lượng nước còn lại vào bình và dùng que khuấy đều thêm một lần nữa.

*Nguyên tắc khi phun khử trùng:

Phun xuôi theo chiều gió;

Phun từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài;

Phun theo hình chữ Z, lượt sau phun đè lên một phần của lượt trước để thuốc thấm đều lên toàn bộ bề mặt cần khử trùng.

*Các bước vệ sinh, khử trùng chuồng trại sau khi kết thúc lứa nuôi:

Bước 1. Quét dọn sạch sẽ các chất bẩn trong chuồng heo

Bước 2. Sử dụng nước pha hoá chất tẩy rửa, phun toàn bộ chuồng heo

Bước 3. Sau 30 phút, sử dụng nước sạch (vòi áp lực) tẩy rửa toàn bộ chuồng heo

Bước 4. Để chuồng heo khô ráo hoàn toàn trước khi phun hoá chất khử trùng

Bước 5. Tiến hành phun hoá chất khử trùng toàn bộ bề mặt chuồng heo (0,3 lít ~ 1m2)

Bước 6. Để chuồng heo khô, sau 24h, rửa lại chuồng heo bằng nước sạch (sử dụng vòi áp lực cao)

Bước 7. Để khô ráo hoàn toàn chuồng heo trước khi nhập heo mới vào

Bước 8. Lấy mẫu các bề mặt trong chuồng để kiểm tra các chỉ tiêu vệ sinh theo quy định.

Đối với các dụng cụ, trang thiết bị:

– Dụng cụ chăn nuôi: máng ăn, núm uống, lồng úm

  • Tháo rời các bộ phận, rửa bằng nước sạch (sử dụng vòi nước áp lực cao) => dùng các chất tẩy rửa vệ sinh sạch các chất hữu cơ => Ngâm trong hoá chất khử trùng 60 phút => rửa lại bằng nước sạch và phơi khô.     

– Dụng cụ bằng gỗ, nhựa: ván úm, bạt phủ

  •       Rửa sạch bằng nước với áp lực cao và phơi khô => Ngâm thuốc hóa chất khử trùng trong 60 phút và rửa lại bằng nước sạch => Làm khô dụng cụ.

– Hệ thống chứa và dẫn nước:

  • Nên vệ sinh sạch toàn bộ hệ thống chứa và dẫn nước. Thực hiện ngâm toàn bộ hệ thống chứa và dẫn nước cho heo sử dụng với dung dịch khử trùng trong 12 giờ, sau đó xúc xả bằng nước sạch.

4. Kết luận:

Người chăn nuôi cần chú trọng nguyên tắc khử trùng chuồng trại, vật dụng, phương tiện thiết bị trước, trong và sau khi chăn nuôi heo nhằm ngăn chặn các rủi ro tồn tại mầm bệnh trong khu vực chăn nuôi. Nếu người chăn nuôi không thực hiện khử trùng thường xuyên, có thể dẫn đến nhiều hệ luỵ, gây ảnh hưởng đến quá trình chăn nuôi, đặc biệt về mặt kinh tế. Vì vậy, người chăn nuôi cần phải quan tâm và tuân thủ các nguyên tắc ATSH trong chăn nuôi để đảm bảo nguồn lợi tối đa. 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *